Ts Alan Phan |
Bài 2: Đíểm Đến và Mục Tiêu
“Bạn không bao giờ nên nghi ngờ khả năng của mình trong việc thành đạt, thể hiện, vượt khó và chuyển lửa cho bất cứ điều gì – You must never doubt your ability to achieve anything, become anything, overcome anything and inspire anything – Tasha Hoggatt”
Trong bài trước, chúng ta đã hiểu rõ 3 nguyên tắc thiết yếu cho quy trình căn bản của bất cứ dự án, hành trình, sự nghiệp nào: mục tiêu, kế hoạch và thực hiện.
Phần lớn chúng ta nghĩ rằng bước đầu tiên có lẽ đơn giản vì ai mà chẳng biết ý muốn của mình. Tuy vậy, các bạn trẻ thường lúng túng, vì xác định điểm đến và mục tiêu của cá nhân tùy thuộc khá nhiều vào những tác động khác, không chỉ là ham muốn của riêng mình.
Trước hết, chúng ta nên phân biệt giữa đích đến và mục tiêu. Ví dụ, tôi và bạn cùng có một điểm đi là Saigon và điểm đến là Hà Nội. Chúng ta có thể cùng sử dụng như nhau một phương thức di chuyển: máy bay, đường bộ, đường thủy, xe lửa…nhưng mục tiêu hai đứa lại khác biệt và có thể đối nghịch. Tôi đi công tác bàn thảo hợp đồng cho một dự án kinh doanh; bạn đi Hà Nội để …thăm lăng Bác và những người bạn cũ gần đất xa trời? Trong khi điểm đến nói về một vị trí cụ thể (WHERE) ; mục tiêu mới là quan trọng vì đây là cái tại sao (WHY) của hành trình. Biết WHERE mà chưa biết WHY thì dễ bị ảnh hưởng và sức ép của lực đẩy bên ngoài (gia đình, xã hội, văn hóa, hoàn cảnh, vĩ mô…).
1. 1. Điểm đến (Where?)
Dù mỗi cá nhân là một thế giới khác biệt, riêng lẻ và đa nguyên, sự lựa chọn điểm đến của những bạn trẻ thường có nhiều mẫu số chung, thể hiện tâm lý bầy đàn của môi trường sống.
Khảo sát các bạn sinh viên sắp ra trường cho thấy điểm đến mà họ nghĩ sẽ làm họ hạnh phúc và thỏa mãn thường quay quanh đề tài tiền bạc, quyền lực hay danh tiếng. Đa số muốn có nhiều tiền như các đại gia, bao quanh bởi siêu xe và chân dài nên mơ làm business; khá đông các bạn khác muốn sống ổn định thoải mái và mong tìm một job thật ngon. Họ cần một số lương ổn định để giúp gia đình nghèo khó hay lấy được vợ đảm đang. Nhiều sinh viên lại năng động và tham vọng hơn: họ cho rằng quyền lực và quan hệ mới là chìa khóa vàng của kho báu (nhất là ở Việt Nam). Họ đăng ký gia nhập Đảng, học cách nói của vẹt, biết đủ trò ăn chơi nhậu nhẹt để chiêu đãi, thấm nhuần thủ thuật đội trên đạp dưới…Vài anh chị lại bị hấp dẫn bởi tiếng tăm của ca nghệ sĩ, người mẫu hay diễn viên. Một số sinh viên khác thì muốn sống cho lý tưởng xã hội, tìm niềm vui trong những phục vụ thiện nguyện, ngày đêm suy tư về giải pháp xóa đói giảm nghèo hay cải tổ giáo dục. Một thiểu số nhỏ lại quay về với tâm linh, với tôn giáo…cho rằng cứu cánh của mọi vấn nạn con người là niềm tin vào các Ơn Trên.
Dĩ nhiên, tất cả những điểm đến mơ ước thường đi kèm với nhiều rào cản: nội tại như kỹ năng, kinh nghiệm, kiến thức, sức khỏe, ý chí, tự ái, kiên nhẫn…ngoại lực như gia đình, chế độ, hoàn cảnh, cơ hội, may rủi…Biết rõ khả năng đối phó của mình với những rào cản này cần một nghiên khảo và phê phán trung thực, vì nếu không, chúng ta có thể lãng phí rất nhiều ngưồn lực, cho những dự án nửa vời, dễ tạo ra một thói quen tiêu cực và thất vọng trong tương lai.
Nên bỏ chút thì giờ, ngồi ghi lại những giới hạn và lợi thế cạnh tranh của mình khi xác định điểm đến. Nếu suốt đời đã thâm nhuần tư tưởng Mác-Lê-Mao qua sách vở, thì việc trở thành một giáo sư rao giảng về kinh tế thị trường sẽ làm trò cười (sau lưng thôi) cho các đồng nghiệp. Nếu người thấp lùn dưới 1.4 mét thì giấc mộng làm “siêu sao” bóng rổ khó thành hiện thực; còn người cao quá 2 mét thì đừng nên cố gắng làm nài ngựa đua. Quay qua hoàn cảnh và môi trường bao quanh, một sinh viên thích độc lập, sáng tạo và năng động, thì nên quên chuyện trở thành một “đầy tớ” của XHCN; nếu gia đình không thuộc thành phần COCC thì hay nhất là lo tìm sự nghiệp ở một công ty đa quốc, ngoài biên giới.
Một điều cần luu ý nữa là điểm đến phải đơn giản và cụ thể. Một chuyên gia mà đích đến quá phức tạp, nhiều định hướng (đôi khi mâu thuẫn nhau) phải là một thiên tài hay sẽ chỉ là một anh nghiệp dư , know nothing because he/she knows everything (không biết gì vì gì cũng biết). Cụ thể nghĩa là biết nhắm tới cái chuyên biệt rõ ràng (specific). Chẳng hạn, muốn thành đại gia, bạn nên đặt một đích đến là năm 40 tuổi bạn sẽ có một tài sản dư hơn 5 triệu đô la hay 500 triệu đô la (sau khi trừ ra nợ nần). Đừng nghĩ chung chung là bạn sẽ có rất nhiều tiền; vì không ai thiết lập được một kế hoạch khả thi dựa trên tổng quan.
Một phương thức thông dụng trong việc xác định điểm đến là bắt đầu với một danh sách dài dựa trên đam mê, ham thích và “thời trang”, rồi thu ngắn lần lượt với những rào cản, giới hạn…cho đến khi chỉ còn khoảng 5, 10 lựa chọn. Sàng lọc kế tiếp sẽ là một tập trung vào những con số specific để có kết quả sau cùng là lựa chọn “tối ưu” trong tình trạng hiện tại. Dĩ nhiên, đích đến , cũng như mục tiêu trong quy trình này, có thể thay đổi theo thời gian, sức khỏe, hoàn cảnh hay gia đình. Mỗi 6 tháng, bạn nên khởi sự lại bước đầu tiên để điều chỉnh nếu cần.
Trong trường hợp bất khả kháng, nên có can đảm “xóa bài làm lại”. Thói quen “bỏ thì thương, vương thì tội” đã làm khốn đốn bao nhiêu tài năng không quyết đoán.
1. 2. Mục Tiêu (WHY)
Một hành trình dài thường vướng mắc nhiều rào cản ngoài dự đoán; và những tình huống bất ngờ (những con thiên nga đen) luôn tạo những biến động gọi là game-changers (xấu hoặc tốt). Nếu không chắc chắn lắm về cái WHY của cuộc chơi, bạn sẽ có xu hướng bỏ cuộc dễ dàng, không muốn bám trụ để qua thời đoạn khó. Cái WHY cũng sẽ đáp ứng những thôi thúc, đam mê trong nội lực và việc tranh đấu để biểu hiện con người thật của mình là một hạnh phúc tinh thần rất cấn thiết cho sự phát triển thực sự.
Cũng như khi xác định đích đến, bạn phải ghi rõ hết mọi chi tiết về những “thứ” mình nghĩ là quan trọng cho cuộc sống hàng ngày, và đồng thời làm mình vui thích. Đây là một danh sách đầy kín những hoạt động trong công việc hay trong buổi chơi nghỉ; gồm những món đồ tiêu dùng hay trang sức như siêu xe hay chân dài; từ những kiến thức suy tư về nghệ thuât, kinh tế đến những giải pháp sáng tạo cho công nghệ, xã hội; từ những cống hiến đóng góp cho gia đình hay người yêu đến những giây phút thiền định bên Chúa, Phật…Sau đó, là xếp đặt thứ tự ưu tiên cho từng “món” trong “thực đơn đời”.
Quan trọng hơn hết là phải bắt đầu mỗi “thứ” bằng câu hỏi “tại sao?”. Vì một trải nghiệm đã qua, vì một khung kiến thức mới, vì bạn bè đang háo hức với tình huống và cơ hội, vì đó cũng là lựa chọn của thần tương, vì các mạng truyền thông đang cổ vũ (không phải trò cướp hiếp giết), vì ngài Tổng Bí Thư hay cha mẹ vừa đọc diễn văn????
Đợt sàng lọc đầu tiên cho danh sách dài này là loại bỏ những thứ có ưu tiên thấp nhưng lại mâu thuẫn với thứ có ưu tiên cao hơn. Và phải hỏi lại (trong nghiêm túc của những giây phút tĩnh lặng) : đây có thực sự là “thứ” mình muốn theo đuổi trong một thời gian dài, có thể là vài chục năm trong đời mình. Nên nhớ là tiền bạc mất đi có thể tìm lại được, nhưng thời gian thì không bao giờ.
Sau khi gói gọn danh sách còn chừng 10 “thứ”, bạn nên so sánh những lựa chọn với sự phù hợp của kỹ năng, kinh nghiệm, nguồn lực (hiện tại và tiềm năng), áp lực hoàn cảnh, lợi thế giữa môi trường chung quanh, chuẩn mực đạo đức, tâm linh hướng thượng hay tình yêu thương tha nhân.
Nếu bạn đã nghiên khảo cẩn thận về mọi yếu tố, bạn sẽ thấy mục tiêu thường hòa hợp tương đồng với đích đến. Nếu không, hãy bắt đầu lại từ đầu và tiếp tục giải mã con người và ước nguyện sâu kín của mình.
Cách hay nhất là hình dung ra con người bạn 10 năm, 20 năm sắp tới. Có phải đây là mẫu hình tượng mà bạn đang tìm kiếm?
Cá nhân tôi, mỗi khi tôi muốn thẩm định lại đích đến và mục tiêu của phần đời còn lại, tôi hay tìm đến một nơi thật yên tĩnh, không đụng đến điện thoại hay Internet, không ai có thể liên lạc với mình trong vài ngày. Xóa bỏ hết mọi định kiến trong tư duy và tập trung vào một con người mà mình nghĩ là cái “ego” đích thực của mình, với tất cả xấu tốt, thành bại, khả năng hay giới hạn.
Gân đây nhất, tôi vẫn cho rằng một đời thanh bình phải gom đủ 6 bình diện: sức khỏe, tâm linh, tinh thần, gia đình xã hội, kiến thức và tiền bạc. Sáu góc cạnh này tôi đã xác định cả 20 năm vừa qua, không gì thay đổi. Nhưng theo tuổi tác và nhu cầu của môi trường mới, tôi đã điều chỉnh đổi thứ tự ưu tiên. Sức khỏe từ hạng 4 đã vượt lên hàng đầu, tiền bạc từ hàng 3 đã xuống hàng cuối.
Trong tương lai, những thứ tự ưu tiên này có thể đổi ngôi vài lần nữa và các yếu tố mới có thể xuất hiện.
Khi “đích đến và mục tiêu” được định vị rõ ràng và chuyên biệt, “kế hoạch” dựng nên sẽ có một nền tảng bền vững và chính xác. Sau cùng, bước “hành động” sẽ không có mầu sắc của thụ động, lè phè, vô định và dễ xao động theo ý thích và lực đẩy nhất thời. Con đường trước mặt sẽ hoàn toàn quyết đoán, kiên trì và đầy đủ niềm tin.
Alan Phan
(Bạn phải chấp nhận thất bại như một kết quả có thể xẩy ra cho vài thử nghiệm. Nếu không có thất bại, có nghĩa là bạn chưa thử thách ranh giới của mục tiêu – You accept failure as a possible outcome of some of the experiments. If you don’t get failures, you’re not pushing hard enough on the objectives – John Poindexter)
(Blog Alan Phan)
0 comments:
Post a Comment