Đó là câu chuyện đã bắt đầu ở Tòa trọng tài thường trực của Liên Hiệp Quốc ở La Haye hôm Thứ Ba tuần này. Hay ít nhất nó cũng là một câu chuyện như vậy nếu xe chịu ra hầu tòa.
Hẳn chúng ta còn không ai quên được câu nói bất hủ hồi năm 2010 của người lúc đó là ngoại trưởng Trung quốc, ông Dương Khiết Trì, khi ông tuyên bố với các nước láng giềng đang lo ngại “Trung Quốc là nước lớn, các quốc gia khác là những nước nhỏ, và đó là một sự kiện hiển nhiên.”
Nhưng khi đi kiện ở tòa án thì nhiều khi châu chấu có thể đá được xe. Năm vị thẩm phán của tòa trọng tài sẽ quyết định về vụ Philippines với Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, theo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) mà cả hai quốc gia đều đã ký.
Cũng tội nghiệp cho Philippines. Họ là một nước nghèo và kiện ra tòa rẻ hơn là xây dựng quân đội để đối phó, và nó cũng cho họ một sân chơi công bằng hơn cho Philippines nhỏ bé chống lại nước láng giềng khổng lồ lại thích ăn hiếp.
Manila không thể kiện về chủ quyền ở Tòa An Quốc Tế nếu Trung Quốc không đồng ý. Nhưng họ có thể đưa ra để yêu cầu tòa trọng tài cứu xét theo thủ tục áp dụng Luật Biển UNCLOS ngay cả nếu Trung Quốc không chịu tham gia.
Bắc Kinh dĩ nhiên từ chối tham gia, chỉ cho thấy sự hiện diện của họ qua một văn bản phổ biến khơi khơi ở Liên Hiệp Quốc, thách thức thẩm quyền tài phán của tòa. Thực ra điều Bắc Kinh muốn là câu giờ.
Những vụ kiện này thực sự cần rất nhiều thời gian. Vụ kiện này đã được Philippines đưa ra cách đây hai năm rưỡi để khẳng định quyền của họ được khai thác trong khu vực 200 hải lý thuộc vùng đặc quyền kinh tế của họ. Nhưng trong 18 tháng nay, Trung Quốc đã tìm cách tạo một thực tế tại hiện trường, lấp biển để tạo nên khoảng 2,000 mẫu Anh đất đai trên vùng Biển Đông, một hành động đã khiến một vị đô đốc Hoa Kỳ diễn tả là họ đã lập “Một bức Vạn Lý Trường Thành bằng cát.”
Mục đích có vẻ như là để buộc các đối thủ như Philippines phải chấp nhận những điều kiện mới. Nhưng có điều công cuộc xây dựng này không có căn bản pháp lý. Công Ước Luật Biển nói là không thể xây dựng chủ quyền bằng cát hay bằng bất cứ cái gì khác. Bức Vạn Lý Trường Thành bằng cát có lẽ cũng chả ích lợi gì như bức Vạn Lý Trường Thành bằng đất trên bộ.
Phán quyết của tòa án ở La Haye tuy vậy có tính ép buộc về phương diện pháp lý nhưng vì Liên Hiệp Quốc không có một lực lượng cảnh sát nên không có ai áp đặt việc thực thi cả.
Có điều Bắc Kinh thường lớn tiếng tuyên bố mình là một thành viên có trách nhiệm của Liên Hiệp Quốc và tuy họ có thể lớn lối nói là không công nhận thẩm quyền của tòa, nhưng một phán quyết bất thuận lợi cũng là một đòn ngoại giao và chính trị đáng kể. Vả lại nó có thể đưa ra một tiền lệ đáng lo, có thể thúc đẩy những quốc gia khác cũng có tranh chấp lãnh thổ đi theo con đường của Philippines. Việt Nam chẳng hạn có thể bạo dạn hơn chăng?
Thành ra ở La Haye, Trung Cộng đang ở trong thế thủ. Nhưng nói chung, Bắc Kinh đang chơi trò tấn công ở Biển Đông. Nó tuy vậy là một cuộc tấn công theo một nhịp điệu chiến lược tiến rồi lùi và bao trùm là một sự mập mờ chiến thuật.
Sự mập mờ đó nhiều khi thực sự là vô cùng đáng sợ. Trước hết, họ chưa bao giờ nói cho rõ thực sự vùng lãnh thổ của họ là ở đâu. Cái đường chín đoạn vốn đang xuất hiện trên các bản đồ của Trung Quốc bao gồm hầu như trọn vẹn Biển Đông không có tọa độ. Thành ra muốn diễn dịch sao cũng được.
Bắc Kinh cũng chưa bao giờ giải thích căn bản pháp lý cho các bản đồ của họ. Họ cũng không giải thích là liệu họ có thấy Biển Đông như là một trong những “quyền lợi cốt lõi” tương đương với Đài Loan hay Tây Tạng, nơi họ không chấp nhận bất cứ một sự chống đối nào hay không.
Mới đây Bắc KInh đã loan báo là họ đã hoàn tất việc lấn biển tạo nên khoảng bảy hòn đảo nhân tạo trong khu vực Quần đảo mà họ gọi là Nam Sa, quốc tế gọi là Spratly, Việt Nam chúng ta gọi là Trường Sa. Đây là một quần đảo mà Việt Nam dành trọn chủ quyền, trong khi Philippines, Malaysia và Brunei đều dành một phần. Đài Loan thì không kể vì Đài Loan đã bị Trung Quốc coi chỉ là một tỉnh phản loạn. Họ bảo nay họ sẽ xây dựng những cơ sở bao gồm cả cho mục đích nhân đạo và môi trường cũng như là quân sự.
Có điều họ quên không nói rõ là trong trường hợp nào các quốc gia khác có thể sử dụng những cơ sở này. Chẳng hạn như, liệu có phải công nhận chủ quyền của Trung Quốc để sử dụng hay không?
Một vị đô đốc Trung Quốc mới đây đã tuyên bố tại một hội nghị an ninh vùng là việc xây dựng trên Quần đảo Trường Sa là “biện minh được, chính đáng và hữu lý.” Nhưng đó là một khẳng định dựng đứng với không có bằng chứng gì để bênh vực cả, và cũng không có một cố gắng gì để trấn an các quốc gia láng giềng chứ đừng nói thế giới, về cách nào mà quyền lợi của chung có thể được bảo đảm bằng cách chấp nhận một trong những hải lộ quan trọng nhất của thế giới, với khoảng 5 ngàn tỷ đô la mậu dịch thông qua hàng năm, nay đã trở thành một cái hồ của Trung Quốc.
Như một nhà quan sát Hoa Kỳ đã ghi nhận, “Chỉ có Trung Quốc mới có thể bao vây được Trung Quốc,” và họ đã thực hiện tốt điều đó, đẩy các quốc gia láng giềng lo sợ đi tìm một sự bảo bọc an toàn hơn từ Hoa Kỳ qua một sự gia tăng các cuộc tập trận và trợ giúp quân sự.
Chính sách Biển Hoa Nam của Trung Quốc hiện nay cũng sẽ không giúp gì cho những dự án đầy tham vọng khác của Bắc Kinh. Dự án “Một vòng đai, một con đường” chẳng hạn, mà qua đó Bắc Kinh muốn gói Đông Nam Á vào vòng tay ôm ấp của Trung Quốc. Bắc Kinh bảo với các quốc gia láng giềng đây là một tương lai chung. Nhưng liệu vấn đề Biển Đông có làm cho các quốc gia láng giềng nghĩ lại hay không? Sự đối xử của Bắc Kinh đối với Philippines nhỏ bé hẳn đã làm nhiều quốc gia nhỏ bé láng giềng trên bộ khác chột dạ. Liệu có thực Trung Quốc muốn chia sẻ vận mạng chung hay chỉ muốn biến tất cả mọi lân bang thành chư hầu trong giấc mơ Đại Hán.
Chủ Tịch Tập Cận Bình, khi nói về hợp tác an ninh Á Châu đã đưa ra bốn nguyên tắc: tôn trọng bình đẳng, hợp tác lưỡng lợi, theo đuổi an ninh chung, và bao gồm. Và Thủ Tướng Lý Khắc Cường mới đây còn nói là Trung Quốc biết họ được hưởng lợi lớn trong trật tự thế giới hiện nay. Vậy tai sao phá hoại nó? Nhưng khi nói đến vùng biển mà họ gọi là Hoa Nam, Trung Quốc có vẻ sẵn sàng bất chấp mọi sự vì một số tảng đá không người.
Bởi cuộc tranh chấp về Biển Đông là cuộc tranh chấp về lãnh thổ và chủ quyền trên biển cả và trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vốn đã có nhiều quốc gia khác cũng khẳng định chủ quyền. Cùng với vài hòn đảo thực sự, còn có vài chục những mỏm đá, bãi cạn, và rặng san hô, như là bãi Scarborough.
Trung Quốc đã dành phần lớn lãnh thổ, một khu vực ấn định bởi “đường chín đoạn” vốn trải cả ngàn dặm về phía nam và phía đông của tỉnh cực nam nhất của họ là Hải Nam. Bắc Kinh bảo họ có chủ quyền từ nhiều thế kỷ nay. Việt Nam chúng ta có bằng cớ lịch sử cũng nhiều thế kỷ nay. Những quốc gia dành chủ quyền khác như Philippines chẳng hạn, đưa ra việc gần cận địa lý với quần đảo Trường Sa làm căn bản chính cho khẳng định đó. Malaysia và Brunei cũng dành chủ quyền một số lãnh thổ mà họ nói nằm trong khu vực đặc quyền kinh tế của họ, theo định nghĩa của UNCLOS. Brunei không đòi hòn đảo nào, nhưng Malaysia đòi một số hòn đảo nhỏ ở Trường Sa.
Vấn đề đã phức tạp hơn khi Bắc Kinh có vẻ đã còn tìm cách làm hài lòng dân chúng của mình. Mới đây Ngoại trưởng Vương Nghị đã nói là rút lui khỏi những khẳng định chủ quyền ở Biển Đông sẽ “hổ thẹn với thế hệ mai sau.”
Trong khi đó, những cuộc thăm dò dư luận ở Trung Quốc cho thấy dân chúng của họ đang có cảm tưởng là cán cân quân sự đã về tay Trung Quốc. Trong một cuộc thăm dò, gần ba phần tư những người được hỏi cảm thấy là Trung Quốc sẽ chiếm thế thượng phong ở bất cứ một cuộc chiến nào ở Biển Hoa Nam, ngay cả khi Hải quân Hoa Kỳ can thiệp.
Nhưng nếu họ chịu đọc lại lịch sử của chính họ thì trước cuộc Chiến Tranh Trung Nhật, họ cũng cứ tưởng là mình sẽ thắng, để rồi tiêu tan cả lực lượng hải quân trước họng súng của hải quân Nhật Bản. Mà 70 năm sau khi quân đội đế quốc Nhật bị đẩy ra khỏi Biển Đông, nay họ đã trở lại, cung cấp tàu bè cho Philippines và Việt Nam và tập trận với Philippines. Phải chăng hành động hiện nay của Bắc Kinh đang là cú sút vào khung thành của chính mình.
Bắc Kinh đã tuyên bố vụ xử của tòa Trọng tài ở La Haye là “một sự khiêu khích chính trị che dấu bằng luật pháp để tìm cách từ chối chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Hoa Nam.” Ở một khía cạnh nào đó, quả là vậy. Con châu chấu Philippines đang là một trở ngại cho cỗ xe của tham vọng biến Biển Đông thành một cái hồ của Trung Quốc.
Lê Phan
(Người Việt)
0 comments:
Post a Comment