Một số người Việt Nam, kể cả trí thức trong và ngoài nước, vẫn kỳ vọng vào chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng sang Mỹ sắp tới. Họ nói: Đây là một cơ hội “ngàn năm một thuở” để Việt Nam “bẻ lái” sang Mỹ, để Việt Nam “đổi đời” sang một chế độ dân chủ, tự do…
Họ khuyến khích ông Trọng hãy sáng suốt, hãy dũng cảm, hãy chộp lấy cơ hội vàng, hãy nghĩ đến dân tộc, đến tổ quốc mà có những quyết định sáng suốt, mang tính “thời đại” mang tầm vóc “lịch sử”… vân vân…
Tôi lại nghĩ khác. Bởi vì tôi vẫn tự hỏi: Ông Trọng là ai? Vai vế của ông thế nào ở Việt Nam. Ai cũng biết ông là Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam, nhưng đó chỉ là một cái tên gọi. Đối với các đảng viên dưới quyền ông (tức là các ủy viên trung ương Đảng) ông cũng chẳng có ảnh hưởng gì mấy. Trong Hội nghị Trung ương 6 vừa qua, ông đã phải khóc vì không ai nghe ông. Ông muốn họ truất phế ông X thì ông X lại bình chân như vại, quyền hành ngày càng lớn. Ông nói năng lẩm cẩm khiến thiên hạ chê cười, trong khi Cuba đang chuẩn bị bỏ CNCS để bắt tay với Mỹ thì ông lại đăng đàn giảng triết học Mác-Lênin cho họ.
Và bây giờ ông sắp về hưu, uy tín ngày càng sút giảm, quyền lực gần như không còn nữa.
Một người như vậy mà đi Mỹ để bàn chuyện “quốc sự” với tổng thống Obama thì sẽ quyết định được cái gì?
Nhưng cứ đặt một giả thuyết rằng ông Nguyễn Phú Trọng có nhiều quyền lực, có đủ tư cách và trí tuệ để quyết định những chuyện quốc gia đại sự, thì liệu ông có đưa Việt Nam rẽ qua hướng Mỹ được không?
Xưa nay ai cũng biết ông Trọng là người thân Trung Quốc số một Việt Nam. Ông là người giáo điều, mở miệng ra là tư tưởng Mác-Lênin vĩ đại, là “Việt Nam đang ở trong thời đại rực rỡ nhất của lịch sử”. Vậy tại sao người ta lại cử một người thân tín của Trung Quốc sang Mỹ với hy vọng đổi đời?
Quý vị không thấy đó là chuyện “tréo cẳng ngỗng” sao?
Quý vị không thấy rằng một người thông minh xuất chúng như Tổng thống Obama lại có thể đặt nhiều kỳ vọng vào một ông thầy giáo dạy triết học Mác Lênin sao?
Tầm vóc của Tổng thống Obama chỉ có thể bàn “việc lớn” với những nhân vật cỡ như Tập Cận Bình (và không chừng hai nhân vật này đã bàn rồi, đã quyết định cục diện thế giới, nhất là chuyện chia chác quyền lợi tại Biển Đông rồi cũng nên).
Nếu chúng ta hiểu đó là vấn đề cơ bản, là nền tảng để người trí thức Việt Nam và hải ngoại suy nghĩ, đánh giá mối quan hệ Việt Mỹ, đánh giá chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng, thì chúng ta không nên dựa trên những sự kiện đang diễn ra trên bề nổi thời sự thế giới, hoặc dựa trên những lời tuyên bố vung vít vô tội vạ cốt để tung hỏa mù, đánh lạc dư luận… mà đánh giá tình hình vốn rất phức tạp của Việt Nam hiện nay.
Còn chuyện Tổng thống Obama có tiếp đón long trọng ông Tổng bí thư hay không lại thuộc về nghi thức lễ tân, về các mản trình diễn chính trị nhan nhản trong lịch sử ngoại giao thế giới. Những thứ ấy chẳng có giá trị gì cả.
Vậy ông Nguyễn Phú Trọng đi Mỹ để làm gì?
Tôi cho rằng một viên chức quèn của Bộ Ngoại giao Bắc Kinh cũng có thể trả lời được câu hỏi ấy.
Đào Hiếu
05-07-2015
0 comments:
Post a Comment