Monday, July 27, 2015

NGƯỜI MỸ-GỐC-VIỆT CÓ THỂ LÀM ĐƯỢC NHỮNG GÌ ĐỂ GÓP PHẦN DÂN-CHỦ-HÓA CHO VIỆTNAM ?


GNsP (23.07.2015) – California, USA – Môi trường sinh hoạt dân chủ của người Việt hiện đang định cư và sinh sống trên các vùng đất mới tại nước ngoài đã làm thay đổi tâm sinh lý của hầu hết những con người này. Ảnh hưởng của trên dưới bốn triệu người Việt ở ngoài đất nước ViệtNam, do sự thay đổi tâm thân, là cơ hội lớn và cũng là thách thức không phải nhỏ đối với mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng Việt, cộng đồng và nhà nước địa phương, và nhất là, đối với giới cầm quyền tại ViệtNam. Do đó, giới lãnh đạo Việt-cộng đã phải dùng nhiều mưu thuật qua các chiêu thức dụ-dỗ-dọa-dập dưới hình thức nghị quyết để tận dụng chất xanh (các loại tiền đôla) và chất xám (kiến thức, kỹ thuật hiện đại) của người Việt chạy lánh nạn cộng sản trước đây.

Độc tài cộng sản đang dùng thuật (xảo thuật, tà thuật, không phải là nghệ thuật đắc nhân tâm) và chưa biết xài đến lý (lý luận, lý tưởng) đối với người Việt hải ngoại, vì trong nội tại, cộng sản đã chưa tự chuyển hóa (dù cho ngoài miệng họ đã hô hào thay đổi đợt một, đợt hai). Kết quả cụ thể về sự thành tựu của các nghị quyết, qua cả chục năm thực hiện, vẫn còn hời hợt và yếu kém lắm! Tuy nhiên, đối với nhân dân ViệtNam, trong và ngoài nước, tiến trình dân chủ hóa vẫn còn chậm chạp. Thật sự, độc tài cộng sản không mạnh, chỉ vì chúng ta còn yếu. Vậy, ta yếu chỗ nào?

Bài luận này sẽ phân tích về các sự thay đổi sinh hoạt còn khiếm khuyết của người Việt hải ngoại, một cách nội tại. Hãy thử tìm xem những điểm yếu của chúng ta, để chuyển biến thành mạnh và tốt hơn. Và cố gắng bồi bổ qua hai phạm trù: thứ nhất, về các sinh hoạt tình-tiền-quyền-danh của cá nhân và gia đình, nhìn dưới mặt vi-mô (micro view); và thứ nhì, về các phạm trù sinh hoạt xã hội văn-kinh-chính-giáo trong cộng đồng người Việt tại hải ngoại, nhìn dưới mặt vĩ-mô (macro view).

Tầm quan sát của bài này cũng được giới hạn cho người Việt tại Hoa-Kỳ, thường được gọi là ‘Việt-kiều’ một cách thiển cận, hoặc do chủ mưu của người sử dụng. Người Việt ở Mỹ chiếm gần phân nửa số lượng người Việt tại nước ngoài (1.8 triệu trên 4 triệu, khoảng 45%). Vì số lượng khá đông đảo như vậy, nên thế và lực của người Việt tại Mỹ, sau khi nhập Mỹ-tịch, trở thành khá quan trọng cho Hoa-Kỳ trên hai mặt cử tri và đóng thuế. Và quan trọng hơn nữa cho tình hình thay đổi kinh tế và chính trị ở ViệtNam qua ý thức trong vai trò yểm trợ

Hai đặc điểm của người Việt ở nước ngoài là vẫn nói tiếng Việt và tụ hội lại thành những cộng đồng thiểu số tại địa phương họ cư ngụ (Vũ Quang Việt, 1990). Trong bài này, tôi sẽ bàn về phương cách tổ chức cũng như phong thái sinh hoạt của những cộng đồng người Việt định cư tại Mỹ để có thể thấu đáo được thế lực của họ.

1. NGƯỜI MỸ-VIỆT : Suy Tư Về Mình !

Tôi dùng thuật ngữ người Mỹ-Việt, mang tính văn hóa/chính trị/xã hội, để thay cho cụm từ người Mỹ-gốc-Việt (VietAmerican hay Vietnamese-American) một cách ngắn gọn hơn. Hai tên gọi này có thể được hoán đổi cho nhau. Chữ người Mỹ-Việt được dùng cũng để thế chỗ cho danh từ Việt-kiều mà nhà nước cộng sản thường lạm dụng một cách lập-lờ-đánh-lận-con-đen, hầu bòn rút ruột tượng của người dân tỵ nạn. Đồng-tiền-liền-với-khúc-ruột và Việt-kiều là ‘khúc ruột ngàn dặm’.

Việt-kiều, nghĩa tổng quát chỉ là người sinh trưởng ở ViệtNam, đi ra sống hoặc làm việc bên ngoài đất nước, mang quốc tịch ViệtNam, và là công dân của xứ ViệtNam. Họ gồm có 3 nhóm.

Nhóm thứ nhất: một số ít là nhân viên nhà nước cộng sản đang tùng sự tại đại sứ quán, hoặc đi tu nghiệp (từ 4 năm trở xuống, có khoảng ngàn người). Nhóm thứ hai: một số nhỏ khác là dân Việt được xuất khẩu lao động, gọi là lao động khách, nhưng kỹ năng nhà nghề còn rất non tay. Nhóm thứ ba: đông hơn, là số du học sinh, khoảng trên dưới 19 ngàn người. [Xứ Mỹ cho số lượng (quota) nhập vào là 45 ngàn, nhưng vì tiêu chuẩn tài chính gắt gao, nên số sinh viên xuất ngoại chỉ hơn được 1/3]. Sau khi học ra trường, hơn phân nửa đã tìm đủ mọi cách ở lại, mong có công ăn việc làm thích hợp với học vấn của mình, rồi lập gia đinh, lấy thẻ xanh và nhập quốc tịch, ước tính đem đại gia đình đoàn tụ sang bên Mỹ. Đây là ước mơ của du sinh vì họ không hài lòng với hiện trạng kinh tế và chính trị của lãnh đạo đương thời. Tóm lại, tư thế của 3 nhóm Việt-kiều chỉ là dân ở tạm. Chất xanh và chất xám của dân ở tạm còn bị nhiều giới hạn.

Tư thế của người Mỹ-Việt thì khác. Người Mỹ-Việt là công dân Mỹ (đóng thuế, đi bầu, ra ứng cử, làm dân biểu, nhập quân đội, … cho xứ Mỹ) nên họ có thể tự chuyển hóa sức mạnh của mình thành lực lượng yểm trợ đáng kể! Xin khẳng định: chuyện thay đổi (hay cách mạng) ViệtNam là phải do giới lãnh đạo cầm quyền, hoặc đồng bào quốc dân trong nước đứng lên làm lịch sử.

● Gọi các công dân người Mỹ-gốc-Việt là Mỹ-Việt để định hình, so sánh và phân loại, theo cách nghiên cứu của xã hội học. Thí dụ: ngay trong xứ Mỹ, Mỹ-Việt (Vietnamese-American) có nguồn gốc chủng tộc và lịch sử di dân khác với Mỹ-Hoa (người Mỹ-gốc-Trung-Hoa, Chinese-American), khác với Mỹ-Nhật (người Mỹ-gốc-Nhật, Japanese-American), khác với Mỹ-Mễ (người Mỹ-gốc-Mễ, Mexican-American), vân vân. Lịch sử Hoa-Kỳ là lịch sử của những người di dân, đến từ tứ xứ, qua những thời thế khác nhau.

Di dân đến từ năm châu bốn biển và có gốc gác khác nhau. Đầu tiên, đây là đất của Mỹ-đỏ (có giòng họ với các tộc Á-Đông, Native American). Kế đến là Mỹ-trắng (gốc tự Châu Âu, Caucasian American), Mỹ-đen (gốc tự Châu Phi, African American) và Mỹ-nâu (gốc tự Châu Mỹ La-tinh, Latin American) kéo vào. Và đến lượt Mỹ-vàng (gốc từ Châu Á, Oriental American) lan qua, tạo thành vườn hoa da màu với muôn vàn sắc thái. Trong các trường học, thầy cô giáo khuyến khích học trò hãy kỹ niệm các ngày truyền thống (Heritage Day Celebration) để nhớ tới cội nguồn của mình. Tổng thống Obama có mẹ Mỹ-trắng, cha là dân ngoại da đen, sống và lớn lên ở nhiều vùng đất khác nhau; thật tuyệt diệu! Nhiều bạn Mỹ-Việt của tôi, không thích màu da đen, lại theo phe Republican nên có ý nghĩ khác. Tôi thì không.

Cứ mỗi 10 năm, cơ quan kiểm tra dân số Census Bureau của nhà nước thường nghiên cứu và đo lường tình trạng kinh tế, giáo dục của mỗi sắc dân hầu thiết lập các chính sách trợ giúp một cách hữu hiệu. Nguồn gốc dân tộc của các sắc tộc được nhà nước Mỹ sưu tra và định giá đúng mức. Trên thực tế, vấn đề kỳ thị vẫn có và còn xảy ra dài dài trong tương lai, nhưng đã có luật lệ phân minh, nghiêm trị. Người Mỹ-Việt đã/sẽ có kinh nghiệm về sự việc này. Nhưng đây là chuyện nhỏ! Vì kỳ thị chủng tộc là phạm pháp. Phe chống Mỹ luôn tìm cách khai thác các đề tài này.

● Gọi các công dân người Mỹ-gốc-Việt tại Mỹ là Mỹ-Việt để phân biệt với người Ca-Việt (người Việt mang quốc tịch Canada), người Pháp-Việt (người Việt mang quốc tịch Pháp), Đức-Việt, Úc-Việt, Hoa-Việt, Nhật-Việt, Hàn-Việt,… Việt-Việt. Trên trái đất có trên cả trăm xứ, nên thế giới có cả trăm loại người Việt với phong thái sinh hoạt khác nhau, tạo nên môi trường sinh động địa-chính-trị (geopolitics) trong thế kỷ thứ 21. Hoàn cảnh trăm Việt trên vùng định mệnh của thời đại hiện nay đang bị Trung-cộng lăm le, nhắc nhớ tới thời kỳ Bách-Việt hiện hữu trước cả thời Châu-Tần-Hán trong lịch sử Tàu nhiều ngàn năm về trước.

2. NGƯỜI MỸ-VIỆT : Có Thể Làm Những Gì ?

Người Mỹ-Việt có thể làm gì và làm thế nào để yểm trợ, đáp ứng cho nhu cầu thời sự của đất nước ViệtNam? ViệtNam là nơi mà chính họ đã được sinh ra. Hay ViệtNam còn là quê hương thân thương của cha mẹ hoặc ông bà của họ đã lớn lên, đã ra sức hết lòng bảo vệ, nhưng vì cả hai giới lãnh đạo bắc-nam còn non tay ấn, dân tộc bị đem chia cắt đôi bờ. Một bên nhận viện trợ của thế giới cộng sản gây nồi da xáo thịt. Còn bên kia chưa chuẩn bị kịp thời, lực-bất-tòng-tâm, rồi bị đồng minh cộng hòa tháo chạy, và cuối cùng tổ tiên phải liều mình tìm đường vượt-biển-vượt- biên, mang con cháu và gia đình chạy lánh nạn cộng sản. Đất nước đã được thống nhất 40 năm qua, nhưng lòng người vẫn còn ly tán và mầm mống tao loạn trong xã hội không thuyên giảm.

Người Mỹ-Việt, vì là công dân của xứ sở Hoa-Kỳ, nên có quyền lợi, bổn phận và trách nhiệm trực tiếp đối với đất nước Hoa-Kỳ. Hai thao thức yểm trợ, mang tính định hướng, mà người Mỹ-Việt thường ưu tư về ViệtNam là: hướng về dân chủ và hướng về dân tộc. Thứ nhất, vì tình trạng phát triển xã hội và nhân quyền tại ViệtNam bị tụt hậu do cơ chế độc đảng dẫn đến sự độc tài và tham nhũng; nên cần phải có một bài giải về tiến trình chuyển hóa dân chủ. Thứ nhì, bản chất bá quyền của giới lãnh đạo Trung-cộng đã/đang đe dọa đến sự sống còn của dân tộc Việt, tạo bất ổn cho chính xã hội của dân Trung Hoa, gây xáo trộn trong vùng biển Đông-Nam-Á, và đem mầm mống thế chiến đến cho toàn cầu; nên cũng cần phải có một bài giải tương xứng theo truyền thống hòa đồng dân tộc.

Xét cho cùng, hai thao thức trên cũng chỉ qui về một mối, bởi vì nguồn gốc lịch sử phát triển của Việt-cộng là từ Nga-cộng và Trung-cộng mà ra, (nhưng Nga-cộng đã được hóa kiếp từ hồi 1899/1990 rồi). Vấn nạn của Trung-cộng hiếp đáp Việt-cộng cũng đang ảnh hưởng đến cuộc chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Tàu từ đầu thế kỷ 21 đến giờ, và ngày càng găng thêm. Lãnh đạo Mỹ bóp trán. Lãnh đạo Tàu tự thanh toán. Lãnh đạo Việt choáng váng, phải co giò chơi đu dây. Do đó, các dây liên hệ trong chính thuật (tactics) Mỹ-Tàu-Việt cũng là mối quan tâm về sách lược (strategies) yểm trợ từ cộng đồng người Mỹ-gốc-Việt đối với ViệtNam tự bấy lâu nay.

Thế đứng pháp lý của cá nhân người Mỹ-Việt đã vững. Tiền bạc tương đối khá ổn định do tính cần kiệm, chịu khó. Muốn thành triệu phú không phải dễ, nhưng đi làm có đồng-ra-đồng-vào là chuyện không khó. Khó khăn là sự vượt thoát ra khỏi tình trạng mãn nguyện với những trình độ lợi ích cá nhân (self-interest) của riêng mình, để ý thức được trách nhiệm xã hội (social responsibility) của người công dân trong một quốc gia tiên tiến và hướng thượng. Đây mới là ý nghĩa và giá trị sống của những người không-cộng-sản bên ngoài ViệtNam.

Một điều cần khẳng định là, những người Việt tại hải ngoại chỉ giữ vai trò yểm trợ, chớ không thể nào là lực lượng để thay đổi thế cuộc cho ViệtNam (Lý Đại Nguyên, 2015). Chuyện trực tiếp thay đổi phải đến từ người dân trong xứ, đứng lên đòi/giành lại những quyền cơ bản thuộc con người (nhân quyền) như: tự do tôn giáo (văn); thực hiện tư doanh cùng thành lập nghiệp đoàn độc lập (kinh); bỏ điều 4 hiến pháp để chuyển hóa cơ chế độc tài thành đa đảng (chính); và trả lại sự tự trị cho nền giáo dục nhân bản, dân tộc và khai phóng (giáo). Vai trò yểm trợ của người bên ngoài là phải tạo ra môi trường xúc tác theo hai hướng về dân chủ và dân tộc, một cách cụ thể và hữu hiệu, để giúp đỡ cho người bên trong. Chớ không thể, đứng bên ngoài vỗ ngực xưng tên, tự phong làm ‘anh hùng hào kiệt’, hầu chỉ/lãnh đạo, dạy khôn cho người bên trong làm cách mạng! Hãy tự xét lại nội lực (cương và nhu): những gì mình có thể và không có thể làm được!

Chất xanh và chất xám từ cá nhân hải ngoại đã có thể, nhưng tại sao thao thức của con người Mỹ-Việt về tiến trình dân chủ và truyền thống dân tộc, một cách ý thức hay vô thức, chưa xuất hiện trong cộng đồng Mỹ-Việt; hay đã xuất hiện mà vẫn chưa được hanh thông và như ý ?

TRƯƠNG NHƯ THƯỜNG

0 comments:

Post a Comment