Monday, July 27, 2015

Bí mật những cách kiếm hàng ngàn tỷ đồng của giới nhà giàu Việt Nam (Phần 3)

Pile-of-Money-copy-675x3991-675x399

 Phần 3: Kiếm tiền tỷ từ đất đai, bất động sản

Trước đây, những người giàu Việt Nam thường gắn với một sản phẩm nào đó, tức là họ đi lên từ sản xuất, tạo ra của cải vật chất, dịch vụ phục vụ con người như: Vua cà phê Đặng Lê Nguyên Vũ, Huỳnh Phi Dũng (Dũng lò vôi)… Nhưng mới khoảng hơn 10 năm gần đây đã có sự thay đổi. Nguồn gốc, sự tích lũy vốn ban đầu có thể khác nhau với từng người giàu, thống kê của những người giàu nhất Việt Nam trên sàn chứng khoán cho thấy có khoảng 30% là từ đất đai, bất động sản. Hiện tượng này có thể gọi là “tích lũy vốn nguyên thủy từ đất đai”.

Xem thêm: Phần 1Phần 2

Đặc biệt là khi việc kiếm tiền từ đất, từ các dự án liên quan đến việc thu hồi và chuyển quyền sử dụng đất có ma lực ghê gớm bởi lợi nhuận rất cao, người ta có thể tích lũy vốn rất nhanh, từ tay không thành nghìn tỷ, tương đương khoảng 50 triệu USD, chỉ trong vài năm. Điều mà ở các nước tư bản trước đây phải tích lũy hàng trăm năm mới có được.

Đây là một phương thức kiếm tiền nghìn tỷ chỉ trong vài năm, đã được áp dụng trong thời gian qua, tuy không có gì mới mẻ, nhưng chúng ta cũng cần xem xét nó dưới khía cạnh khách quan để minh chứng cho những tác hại xấu mọi mặt của một thời kỳ lịch sử “không kinh tế thị trường”, hay chính xác là “chưa được công nhân là kinh tế thị trường” trong đầu thế kỷ 21 này. Mong rằng, tương lai sẽ không để lặp lại lịch sử buồn.

Mua rẻ- bán đắt, nông dân phải tự bảo vệ mình

Nhiều chuyên gia cho rằng, hầu hết đất dự án của các tỉnh, thành phố đã được giới nhà giàu mua hết, cứ nhìn những cánh đồng bỏ hoang là biết đất đấy đã có chủ. Họ mua với giá rẻ bèo, giá rẻ do nhà nước đặt ra, mà không có thỏa thuận với nông dân. Với danh nghĩa đất là sở hữu toàn dân, nông dân chỉ được quyền sử dụng có thời hạn, nhà nước muốn thu hồi để sử dụng vào mục đích khác thì cứ ra quyết định là thu hồi. Nông dân phải chịu chấp nhận giá rẻ nhà nước đã đưa ra, họ không có quyền gì để thỏa thuận về giá, đây là một hình thức cưỡng chế.

Người dân bị thu hồi đất với giá rẻ mạt, bị đẩy đến tận cùng của cuộc sống- vốn dĩ đã rất khốn khó của họ, mà không được bất kỳ cơ quan nào ủng hộ, giúp đỡ, bảo vệ họ.


Đó là căn nguyên của ông Đoàn Văn Vươn (ở Tiên Lãng, Hải phòng) và nhiều người trong gia đình ông đã dùng vũ khí tự tạo để chống lại hàng trăm công an, bộ đội được trang bị vũ trang đến để cưỡng chế đất. Đó cũng là nguyên nhân khiến người dân Văn Giang phản đối chính quyền tỉnh Hưng Yên cưỡng chế đất của dân vào năm 2012, và còn rất nhiều vụ việc tương tự khác

Lấy được đất là có lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng

Khi lấy được đất, làm giấy tờ xong thì chia lô, xây nhà bán theo giá thị trường rất đắt, hoặc bán lại cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Với giá mua chỉ vài phần trăm giá thực tế, trong khi giá đất Việt Nam lại khá cao, chỉ cần làm dự án vài chục hecta đất là họ đã có hơn 1 nghìn tỷ đồng.

Những dẫn chứng về giá mua đất rẻ, bán đắt trong các dự án đã có quá nhiều trên các trang thông tin. Mời Bạn đọc xem lại vụ việc công ty Phúc Hưng kiếm lợi hơn nghìn tỷ đồng đang gây xôn xao dư luận từ việc một người dân bị xe xúc bánh xích đè phải gần đây.


Công ty Phúc Hưng lập dự án thu hồi đất nông nghiệp với giá đền bù là 60.000 đồng/m2, trên diện tích đất 150 ha, với tổng chi phí đền bù cho người dân là 90 tỷ đồng. Nhưng sau khu thu gom đất xong, công ty Phúc Hưng đã bán lại dự án cho Công ty Cổ phần Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) với giá 1.200 tỷ đồng (tương đương 0,8 triệu đồng/m2).

Như vậy, Công ty Phúc Hưng đã bán lại dự án thu lợi hơn 1.100 tỷ đồng, trong khi toàn bộ dự án này thì nông dân chỉ được đền bù 90 tỷ đồng. Hiện tượng này lâu nay vẫn xảy ra, gây ra cảnh khiếu kiện triền miên về đền bù đất đai không thỏa đáng.

Việc thu hồi đất nông nghiệp, thậm chí là cả đất ở của người dân với giá đền bù rẻ mạt khoảng vài chục đến vài trăm ngàn đồng/m2 cho các nhà đầu tư dưới danh nghĩa của các dự án, rồi các nhà đầu tư bán lại với giá gấp hàng chục đến hàng trăm lần so với giá đền bù, đã mang lại khoản lợi nhuận khổng lồ cho giới nhà giàu.

Xin mời đón xem tiếp phần 4

Thành Tâm

(Đại Kỷ Nguyên VN)

0 comments:

Post a Comment