PARIS 23-7 (NV) - Tướng Phùng Quang Thanh còn sống hay đã chết vẫn là một bí ẩn, trong khi Bộ Ngoại Giao CSVN cả quyết thông tin từ các cơ quan liên quan của Việt Nam về sức khỏe của ông là “chính xác”.
Bộ trưởng Quốc phòng CSVN Phùng Quang Thanh tiếp đón Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter ở Hà Nội ngày 1/6/2015. (Hình: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images)
Trong cuộc họp báo thường lệ tại Hà Nội hôm Thứ Năm 23 tháng Bảy, 2015, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao CSVN, trả lời câu hỏi liên quan đến tin ông Phùng QuangThanh đã chết, nói rằng “Ngay sau khi có những thông tin sai lệch nói trên, đại diện các cơ quan Việt Nam đã lên tiếng và những thông tin từ các cơ quan liên quan của Việt Nam là những thông tin chính xác.”
Ngày 23 tháng Bảy, 2015, trên mạng phổ biến một bản tin truyền hình của đài SBTN do nữ phóng viên Tường An tường thuật trực tiếp từ bệnh viện Georges Pompidou, Paris, tìm hiểu về bệnh nhân tên Phùng Quang Thanh. Nhân viên bệnh viện xác nhận có bệnh nhân tên đó nhập viện ngày 20 tháng Sáu, 2015 nằm ở khu giải phẫu lồng ngực và xuất viện ngày 10 tháng Bảy, 2015.
Dò tìm trong danh sách các người bệnh chết trong khoảng thời gian này và cả thời gian phóng viên Tường An hỏi thông tin qua bản tin ngày 23 tháng Bảy, 2015 cũng không có tên ai là Phùng Quang Thanh. Ra khỏi bệnh viện thì ông Thanh ở đâu, ai là bác sĩ theo dõi điều trị sau vụ mổ cũng không ai biết.
Nhà cầm quyền CSVN giữ im lặng hoàn toàn về việc ông tướng Bộ trưởng Quốc phòng, Ủy viên Bộ Chính Trị và đại biểu Quốc hội, chữa bệnh ở Pháp cho tới khi có bản tin rộ lên trên Internet ông Phùng Quang Thanh bị ám sát chết tại Pháp. Sự nghi ngờ của dư luận lại lại càng mạnh hơn nhất là hai ngày 30 tháng Sáu, 2015 và 1 tháng Bảy, 2015 có sự kiện Việt Nam tổ chức “Đại hội thi đua quyết thắng toàn quân” mà lại thiếu ông Bộ trưởng Quốc phòng.
Đến ngày 2 tháng Bảy, 2015 người ta thấy nhà cầm quyền CSVN vội vã đưa một số người đưa tin phản bác và giải độc dư luận, gồm các viên chức trong “Ban bảo vệ sức khỏe yếu nhân”. Ông Phạm Gia Khải, thành viên 'Ban bảo vệ, chăm sóc sứ khỏe cán bộ trung ương' lên tiếng trên báo Tiền Phong phủ nhận tin ông tướng Thanh bị ám sát chết bằng cái tin đi chữa bệnh:
“Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc Phòng đang điều trị bệnh bên Paris, Pháp. Đại tướng Phùng Quang Thanh đi sang Pháp chữa bệnh từ ngày 24 tháng Sáu. Trước khi ông Thanh sang Pháp điều trị chúng tôi có hội chẩn kiểm tra sức khỏe 3-4 lần và phát hiện một vết sẹo trong phổi...”
“...Trước khi sang Pháp chữa bệnh, đại tướng Phùng Quang Thanh đã được chúng tôi kiểm tra sức khỏe nhiều lần, nhưng không thấy dấu hiệu gì đặc biệt, không áp xe, không ung thư. Nhưng cách đây khoảng hai tháng, ông Thanh ho ra máu, mỗi ngày một ít. Chúng tôi đã cho sinh thiết ở phế quản, tương ứng nơi ra máu nhưng không phát hiện được dấu hiệu gì. Sau đó, ông Thanh được đại sứ quán Pháp giới thiệu sang Pháp điều trị.” Lời ông Phạm Gia Khải trên tờ Tiền Phong.
Trên tờ Người Lao Động ngày 2 tháng Bảy, 2015, ông Nguyễn Quốc Triệu, “Trưởng ban bảo vệ và chăm sóc sức khỏe trung ương” được thuật lời nói rằng ông Phùng Quang Thanh “được phẫu thuật u phổi vào tối ngày 30 tháng Sáu. Ông Triệu cho biết kết quả khối u lành tính và hiện nay tình hình sức khỏe của Đại tướng Phùng Quang Thanh đang được các bác sĩ ở Pháp và Ban bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cán bộ trung ương chăm sóc, theo dõi”.
Đến ngày 20 tháng Bảy, 2015 đột nhiên thông tấn xã Đức DPA đưa tin nói tướng Phùng Quang Thanh đã qua đời ở bệnh viện nói trên ngày 19 tháng Bảy, 2015, dựa theo lời một nhân vật không được nêu tên trong quân đội CSVN cho biết.
Sau tin của DPA nói ông tướng Thanh đã chết, trên tờ Thanh Niên ngày 20 tháng Bảy, 2015, tướng Võ Văn Tuấn, phó tổng tham mưu quân đội CSVN được thuật lời cho biết “sau ca phẫu thuật phổi vào khoảng ngày 22 tháng Sáu, sức khỏe Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đang tiến triển rất tốt. Đáng lẽ, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh có thể về nước cách đây 2 tuần. Nhưng bệnh viện có khuyến cáo, phải chờ đủ một tháng sau ca phẫu thuật mới có thể đi lại bằng máy bay, ở điều kiện áp suất cao nên lịch về Việt Nam phải lùi lại. Cũng theo kế hoạch, cuối tháng Bảy này, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh sẽ về nước.”
Đọc những bản tin trên qua những ngày tháng hoàn toàn khác nhau về ngày đến Pháp chữa bệnh, ngày giải phẫu, đối chiếu với sổ bệnh nhân của bệnh viện George Pompidou, của những nhân vật thuộc loại có thẩm quyền hàng đầu về thông tin khiến dư luận không thấy những gì gọi là thông tin “chính thống” đáng được tin tưởng.
Sau bản tin đầu tiên, DPA đưa lại một bản tin khác dẫn lời phủ nhận của ông Võ Văn Tuấn về tin ông Thanh đã chết. DPA chỉ đưa lời phủ nhận của ông Tuấn và còn nói thêm rằng họ lấy tin ông Thanh chết từ bệnh viện George Pampidou.
Dù vậy, Đài phát thanh nhà nước CSVN (VOV) nói “DPA xin lỗi vì đưa tin sai. Mạng infonet của Bộ Thông Tin và Truyền Thông thì viết “DPA đã đính chính thông tin...” TTXVN thì viết “DPA đưa tin cải chính về sức khỏe Bộ trưởng Phùng Quang Thanh”...
Một cách giản dị, nếu sức khỏe ông Phùng Quang Thanh đang “tiến triển tốt” và sắp về nước, chỉ một đoạn video clip ngắn cho ông lên tiếng phát biểu cái gì đó ở Pháp vào lúc này thì những lời đồn đoán dễ được giải tỏa. Thậm chí một tấm hình cũng không có.
Tin báo chí chính thống nhà nước CSVN đưa tin ông Phùng Quang Thanh cầm đầu một phái đoàn sang Pháp gặp Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian ngày 19 tháng Sáu, 2015. TTXVN thuật lời ông Thanh nói Việt Nam “tạo điều kiện cho doanh nghiệp Quốc phòng Pháp” tiếp cận thị trường Việt Nam từ mua sắm đến hợp tác sản xuất một số trang bị, võ khí của Pháp tại Việt Nam.
Như sổ bệnh nhân của bệnh viện Pampidou được phóng viên Tường An của SBTN nhìn thấy thì ông Phùng Quang Thanh đã nhập viện ngày 20 tháng Sáu, 2015 tức chỉ một ngày sau khi đến Pháp và gặp Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian.
Với những tiết lộ trên mặt báo ở Việt Nam, chuyện ông Phùng Quang Thanh gặp Bộ trưởng Quốc phòng Pháp chỉ là bề mặt, còn lý do chính là ông sang Pháp đối phó với một triệu chứng sức khỏe nguy ngập. Giờ này, mọi chuyện tiếp theo về sự sống chết hay sức khỏe của ông vẫn được bao trùm trong vòng bí mật. (TN)
(Người Việt)
0 comments:
Post a Comment