Ảnh minh họa. Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) và lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình (phải). (Nguồn: YouTube)
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bắt đầu chuyến thăm 4 ngày tới Kenya và Ethiopia vào hôm 24/7, trong bối cảnh Mỹ đang phải cạnh tranh với Trung Quốc để giành sự ủng hộ ngoại giao của các quốc gia châu Phi.
Theo BBC, đây là lần đầu tiên ông Obama trở về quê hương của cha mình: Kenya, với tư cách là Tổng thống Mỹ. 9 năm trước, khi còn là thượng nghị sĩ, ông Obama đã về thăm làng Kogelo, nơi cha ông, ông Barack Obama Sr, chào đời. Tuy nhiên, lần này Tổng thống Mỹ không tới thăm ngôi làng hẻo lánh đó mà ông chủ yếu phát biểu tại thủ đô Nairobi. Trọng tâm của các bài phát biểu của ông là về an ninh, chống khủng bố, nhân quyền, đầu tư và thương mại.
Đây là lần thứ 4 ông Obama tới thăm châu Phi kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2008. Rất nhiều người tại châu lục này kỳ vọng vị Tổng thống gốc Phi này sẽ đầu tư nhiều hơn vào đây.
Tuy nhiên, chính quyền Obama dường như đã thất bại trong việc gia tăng ảnh hưởng kinh tế tại đây khi ông Obama, giống như người tiền nhiệm Bush, chỉ xem đây là một khu vực cần giải quyết vấn đề khủng bố và an ninh.
Ông Charles Kenny, một quan chức cấp cao tại Trung tâm Phát triển toàn cầu cho biết, giá trị hàng nhập khẩu của châu Phi tương đương 194 tỷ USD trong năm 2013, trong đó Mỹ cung cấp 8,7 tỷ USD, bằng 1/3 giá trị hàng hóa đến từ Trung Quốc.
Năm 2013, ông Obama tới thăm 3 nước ở châu Phi, và hứa sẽ đầu tư hàng tỷ đô-la Mỹ nhằm thúc đẩy sự quan tâm của các doanh nghiệp Mỹ đối với châu Phi vào năm 2014.
Tuy nhiên, Trung Quốc lại không tiếc đổ tiền vào những quốc gia đang khát vốn và thiếu thốn cơ sở vật chất ở châu lục này. Từ năm 2009 đến 2012, cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã tới Châu Phi 5 lần, thăm tổng cộng 18 quốc gia. Người kế nhiệm là ông Tập Cận Bình tiếp tục gia tăng ảnh hưởng lên châu lục này bằng cách tới thăm châu Phi ngay trong chuyến đi nước ngoài đầu tiên của mình với tư cách là lãnh đạo tối cao của Trung Quốc. Ông Tập tuyên bố cho các quốc gia châu Phi vay 20 tỷ USD trong vòng ba năm, ký thỏa thuận xây cảng ở Kenya, Tanzania, và Cộng hòa Congo. Năm 2014, Trung Quốc lại thông báo sẽ cho khu vực này vay thêm 10 tỷ USD.
Giá trị mậu dịch song phương giữa Trung Quốc và châu Phi trong năm ngoái ước tính khoảng 198 tỷ USD, trong khi của Mỹ chỉ là 100 tỷ USD, theo phân tích từ trang truth-out.org.
Trong khi rõ ràng là hiện tại Mỹ không thể cạnh tranh với Trung Quốc về sự hiện diện trong lĩnh vực kinh tế thương mại, thì ông Obama tìm kiếm các “giá trị khác” của Mỹ tại châu lục này. Trả lời trong buổi phỏng vấn với phóng viên BBC hôm 24/7, Tổng thống Mỹ công nhận rằng Trung Quốc đã bơm rất nhiều tiền vào châu Phi, cơ bản là để đổi lấy nguyên liệu thô khai thác từ khu vực này. Ông Obama nói rằng, “Điều chắc chắn đúng là Mỹ phải đảm bảo sự hiện diện ở đây để thúc đẩy các giá trị mà chúng tôi coi trọng”.
Hôm nay, Tổng thống Obama sẽ bắt đầu cuộc nói chuyện với Thủ tướng Ethiopia, ông Hailemariam Desalegn, về các chủ đề nhân quyền, an ninh khu vực và nội chiến ở khu vực Nam Sudan.
Ông Obama cũng là Tổng thống Mỹ đầu tiên tới thăm Ethiopia khi còn tại nhiệm và là Tổng thống Mỹ đầu tiên phát biểu trước Liên minh Châu Phi vào ngày mai (28/7) tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia.
Minh Trí tổng hợp
(Đại Kỷ Nguyên VN)
0 comments:
Post a Comment