Bốn mươi năm sau khi Sài Gòn thất thủ, Tổng thống Obama đang tìm cách định hình lại mối quan hệ từng có bề dày lịch sử trắc trở với Việt Nam thành một đối tác chiến lược trong việc chống lại Trung Quốc.
Trong cuộc gặp mặt nặng phần tượng trưng vào thứ Ba này, Obama sẽ tiếp lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng, tới Nhà Trắng hai thập kỷ sau khi hai quốc gia từng là thù địch này chính thức bình thường hóa quan hệ ngoại giao.
Các viên chức chính quyền Mỹ cho rằng Hà Nội đã tỏ dấu hiệu quan tâm đến việc thúc đẩy quan hệ kinh tế và quân sự sâu hơn với Hoa Kỳ, và Obama đã chìa một bàn tay về phía Việt Nam, một trong 12 quốc gia bị liên quan đến một hiệp ước thương mại rộng lớn trên Thái Bình Dương. Đã xuất hiện một tin hành lang đáng tin cậy về việc Tổng Thống có khả năng ghé lại Việt Nam trong chuyến công du châu Á của ông vào mùa thu này.
Nổi bật trong chuyến thăm khác thường này của Trọng là Obama hiếm khi tiếp các yếu nhân ngoại quốc tại Phòng Bầu Dục nếu họ không phải là người đứng đầu chính thức của quốc gia.
Trong vai chủ nhà, ông đã tiếp Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang tại Nhà Trắng vào 2013, và ông cũng đã gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong một hội nghị thượng đỉnh khu vực ở Miến Điện vào mùa thu năm ngoái.
Các viên chức chính phủ mô tả Trọng là người có thế lực nhất trong cái cấu trúc quyền lực độc đảng của Việt Nam, một người đứng sau hậu trường nhưng có ảnh hưởng đáng kể trong quyết định chính trị. Một quan chức chính phủ cho biết Trọng, là đảng trưởng, với truyền thống xưa nay thường là một "phần tử bảo thủ hơn" của lớp lãnh đạo.
Có được được sự ủng hộ của Trọng đối với hiệp định thương mại TPP và các sáng kiến khác mà Hoa Kỳ đưa ra là đặc biệt quan trọng, một quan chức cho biết, người này không được quyền công khai thông tin, và vì thế nói trong điều kiện ẩn danh.
"Là một nhân vật cứng rắn, Trọng không dễ lùi bước trên phương diện nhân quyền," Marvin Ott, một học giả châu Á tại Trung Tâm Wilson cho biết. "Nhưng nếu ông ta có một chuyến thăm Mỹ vui vẻ và trao đổi qua lại ăn ý với ông Obama... thì đó sẽ là một tín hiệu cho thấy rằng sự phản đối cuối cùng ở bên trong đội ngũ lãnh đạo cao cấp Việt Nam đã cáo chung."
Đối với Obama, cuộc gặp mặt diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang xúc tiến những thương nghị ngoại giao mới với một loạt các đối thủ lâu năm của Mỹ, trong đó có Cuba, Iran và Miến Điện (còn gọi là Myanmar). Vào cuối tháng Bảy, Tổng Thống sẽ ghé thăm Kenya và Ethiopia, là hai quốc gia khác vốn hay áp dụng cách thế áp chế khắc nghiệt để đối phó với các nhà bất đồng chính kiến.
Giới ủng hộ nhân quyền chỉ trích thiện chí của Obama tiếp đón Trọng, người chẳng có một chức vụ gì về mặt chính quyền. Hơn 100 người Việt đang bị cầm tù vì các cáo buộc chính trị, theo Bộ Ngoại giao, con số đã giảm khoảng 25% trong những năm gần đây nhưng hiện vẫn là những trọng điểm không thể tách rời chính sách ngoại giao Mỹ đối với Hà Nội.
"Đây là một phần thưởng không xứng đáng với dành cho lãnh đạo Việt Nam", John Sifton, giám đốc bộ phận Châu Á của Tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền nói. "Bạn đang chỉ cho chế độ này và những chế độ hà khắc khác nữa, rằng ‘mở rộng tự do hay không, thì bạn vẫn sẽ được thưởng'... Cái giá cho sự cô lập Trung Quốc chính là việc chấp nhận nhân quyền càng bị chà đạp".
Dân biểu Zoe Lofgren (California), một người ủng hộ lâu năm cho việc cải cách nhân quyền tại Việt Nam, là một thành viên trong phái đoàn Quốc Hội của đảng Dân chủ do lãnh tụ phe thiểu số Nancy Pelosi (California) dẫn đầu, đã đến thăm nước này hồi tháng Ba để thảo luận về TPP và các vấn đề khác. Trong một cuộc họp với Trọng, Lofgren trao cho ông ta một danh sách các tù nhân chính trị, mà bà nhấn mạnh nên trả tự do cho họ.
"Tôi không nghĩ rằng ông ta hài lòng trước những vận động của chúng tôi, nhưng chúng tôi đâu có đi đến đó để làm cho ông ta vui lòng". Lofgren nói trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Hai. Bà cho biết Obama cần ép Việt Nam cam kết thực thi việc bảo vệ quyền lợi giới lao động và bảo vệ quyền con người trong các thỏa thuận thương mại, và bà còn chất vấn tại sao Tổng Thống phải tiếp Trọng tại Phòng Bầu Dục chứ không phải là một nơi kém chính thức hơn ở Nhà Trắng.
Các quan chức Bộ Ngoại giao cho biết Tổng Thống sẽ gây áp lực với Trọng về nhân quyền, nhưng họ cũng nhấn mạnh rằng không có lời hứa từ trước bên phía Việt Nam về việc thả tù nhân hoặc sửa đổi luật về quyền tự do ngôn luận nhằm đổi chác trong cuộc hội kiến với Obama. Ngược lại, Cuba đã trả tự do cho một người Mỹ năm ngoái, mở đường cho việc tái lập bang giao, còn Miến Điện thả vài chục tù nhân chính trị trước chuyến thăm lịch sử của Obama ở đó vào năm 2012.
Tuần trước, Obama đã trình bày lại lập luận của mình khi ông chính thức công bố kế hoạch cho việc mở lại đại sứ quán Mỹ và Cuba trong tháng này sau 54 năm cách ly chiến tranh lạnh.
"Tôi tin rằng sự can thiệp của Hoa Kỳ - thông qua đại sứ quán chúng ta, các doanh nghiệp và hầu hết nhân dân chúng ta- là cách tốt nhất để thúc đẩy mối quan tâm và hỗ trợ cho dân chủ và nhân quyền của chúng ta". Tổng Thống nói thế ở Rose Garden. "Đã rất nhiều lần nước Mỹ đã chứng minh rằng vai trò lãnh đạo của chúng tôi trên thế giới chính là vai trò khả dĩ đem lại sự thay đổi. Đó là những gì truyền cảm hứng để thế giới đạt được nhiều điều tốt đẹp hơn."
Thiện chí của Obama với Việt Nam là một phần trong chiến lược lớn hơn của chính quyền ông nhằm hướng sự chú tâm của ngoại giao Mỹ ra khỏi các điểm nóng lâu đời ở Trung Đông và châu Âu để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc ở châu Á. Chiến lược này đã được hậu thuẫn mạnh khi Quốc hội phê chuẩn yêu cầu của Obama gia tăng thẩm quyền cho cơ quan xúc tiến thương mại hồi tháng trước – một đạo luật khả dĩ tạo điều kiện thuận lợi cho lộ trình TPP, gồm các quốc gia cùng nhau làm nên 40 phần trăm của tổng sản phẩm nội địa của thế giới.
Obama đã lôi kéo được Việt Nam và Malaysia, nơi mà năm ngoái ông trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm kể từ chuyến thăm trước của Lyndon B. Johnson, một trong các nước Đông Nam Á đã được nhiệt tình hưởng ứng sự hợp tác của Mỹ trong một khu vực đang phát triển nhanh.
Trong hai năm qua, Hà Nội đã bị đe dọa bởi sự đơn phương khẳng định chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông, một lộ trình hàng hải chiến lược mà Trung Quốc đã tìm mọi cách để kiểm soát. Mùa xuân năm ngoái, Trung Quốc đặt một giàn khoan dầu 120 dặm ngoài khơi bờ biển của Việt Nam, gần quần đảo tranh chấp với cả hai quốc gia và vi phạm Khu kinh tế 200 hải lý độc quyền của Việt Nam theo luật pháp quốc tế.
Mặc dù Bắc Kinh đã rút lại giàn khoan dưới áp lực của quốc tế vào mùa hè năm ngoái, nhưng hồi tháng trước chính quyền Trung Quốc lại đem nó trở lại gần Việt Nam hơn sau khi kế hoạch chuyến thăm Mỹ của Trọng được công bố.
Động thái này "sẽ tăng thêm một cảm giác cấp bách trong toan tính chiến lược của Hà Nội," Ernest Bower, một chuyên gia về Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết. Hoa Kỳ và Việt Nam cùng chia sẻ quan điểm rằng Trung Quốc "không được phép bất chấp luật pháp quốc tế và tự ý xác định lợi ích chủ quyền của mình dựa trên lịch sử hoặc ỷ vào quy mô của quân sự, kinh tế của mình."
Các chuyên gia ngoại quốc về chính sách cảnh báo rằng Hà Nội sẽ tiếp tục làm ăn giao thương với Bắc Kinh và sẽ tìm cách sao cho tránh khiêu khích Trung Quốc vào một cuộc đối đầu quân sự. Nhưng các quan chức chính quyền nêu lên rằng các hiệp định thương mại TPP được xem như một điển hình sáng kiến do Mỹ khơi dẫn sẽ giúp nâng cao trình độ lao động và tiêu chuẩn môi trường Việt Nam, Malaysia và các nền kinh tế mới nổi khác.
Tại Hoa Kỳ, các công đoàn lao động đã lên án TPP, nói rằng nó sẽ làm tăng thêm việc cho Việt Nam từ nhu cầu gia công của các hãng xưởng Mỹ.
Ngoài vấn đề chính trị chiến lược, còn có "một thứ tạm gọi là sự tò mò còn sót lại của công chúng Mỹ về Việt Nam" Ott nói. "Chúng tôi đã bỏ ra rất nhiều ở đó; và Việt Nam đã khiến chúng ta tổn thất rất nhiều. Nhưng kể từ sau cuộc chiến bạn đã chứng kiến những hoạt cảnh đặc biệt về các cuộc tiếp xúc giữa người và người, khi các du khách và thủy quân lục chiến đi thăm Việt Nam, và nó mang lại một ý nghĩa thực tế làm động lực cho sự bình thường hóa. Nói một cách nào đó, thì có một mối liên quan mật thiết đã thực sự xảy ra."
6:00 PM July 7, 2015
David Nakamura
Lê Tùng Châu dịch
(Dân Luận)
Nguồn: Obama working to make Vietnam an ally in dealing with China’s rise by David Nakamura, The Washington Post.
0 comments:
Post a Comment