Cuộc họp Ủy ban liên hợp Phân giới - Cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia từ ngày 7 đến ngày 9 tháng 7 năm 2015. Courtesy photo
Sau các sự kiện nóng bỏng diễn ra trên biên giới Việt Nam – Campuchia, cơ quan phụ trách về vấn đề biên giới của hai nước đã có cuộc họp để giải quyết các vấn đề phát sinh. Sau ba ngày họp kín, hai bên đã đạt được những kết quả gì?
Một cuộc họp, hai thông cáo
Không họp báo, không trả lời báo giới, cuộc họp kín diễn ra từ ngày 7 đến ngày 9 tháng 7 vừa qua giữa hai Chủ tịch Ủy ban liên hợp Phân giới Cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam – Campuchia kết thúc trong im lặng. Sau cuộc họp, báo giới của Campuchia và quốc tế nhận được một bản thông cáo báo chí bằng tiếng Khmer với nội dung 3 điểm gồm:
Tình hình phân giới cắm mốc giữa hai nước phức tạp và hai bên cố gắng kết thúc quá trình phân giới cắm mốc trong thời gian sớm nhất. Hai bên chấp hành nghiêm túc tinh thần thông cáo chung ký ngày 17 tháng Giêng năm 1995 về vấn đề giữ nguyên hiện trạng đường biên giới. Và cuối cùng hai bên thống nhất hợp tác giải quyết các vấn đề phát sinh trên biên giới không để phát triển, ảnh hưởng đến quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.
Đài Á Châu Tự Do cố gắng hỏi ông Var Kimhong, Bộ trưởng Cao cấp phụ trách vấn đề biên giới Campuchia về nội dung cuộc họp nhưng ông này không đưa ra bình luận gì.
Văn hóa bưng bít thông tin đã tồn tại từ lâu, các quan chức chính quyền chưa bao giờ minh bạch với người dân cả và thiếu trách nhiệm. Thậm chí, phân chia biên giới là công việc phải công khai thì chính quyền cũng không dám minh bạch với người dân của mình.
-TS Kem Lay
Tiến sĩ khoa học chính trị Kem Lay cho rằng đây là hành vi cố ý che giấu sự thật của chính quyền ông Hun Sen. Ông còn cho biết chính quyền không thông tin rõ ràng chứng tỏ cuộc họp có những vấn đề không minh bạch. Tiến sĩ Kem Lay: “Tôi thấy rằng trong cuộc họp này chúng ta hoàn toàn không có lợi gì cả. Văn hóa bưng bít thông tin đã tồn tại từ lâu, các quan chức chính quyền chưa bao giờ minh bạch với người dân cả và thiếu trách nhiệm. Thậm chí, phân chia biên giới là công việc phải công khai thì chính quyền cũng không dám minh bạch với người dân của mình.”
Phái đoàn Việt Nam cũng cho ra một văn bản thông tin về nội dung cuộc họp bằng tiếng Việt được ông Nguyễn Anh Dũng ký với nhiều chi tiết về tiến trình phân giới cắm mốc biên giới, các văn bản pháp lý liên quan đến việc phân chia biên giới cũng như những vấn đề còn tồn tại. Tuy nhiên, chỉ có báo giới của chính quyền cộng sản Việt Nam mới được tiếp xúc với văn bản này.
Các tổ chức chính trị và đảng phái đối lập ở Campuchia tỏ ra hoài khi về nội dung của cuộc họp khi mà hai bên tham dự có những động thái bưng bít thông tin và thái độ thiếu minh bạch. Ông Um Sam An, hạ nghị sĩ đảng Cứu Quốc phụ trách quan sát các vấn đề biên giới tỏ ra bức xúc trước thái độ bưng bít thông tin của phía Campuchia. Ông Um Sam An: “Campuchia không phải là đất nước riêng của ông Var Kimhong hay của chính phủ. Đây là đất nước chung của nhân dân. Tôi nghi ngờ rằng trong cuộc họp, họ đã có những thỏa thuận ngầm hay sự thông đồng nào đó để cắt đất Campuchia cho Việt Nam.”
Văn bản pháp lý biên giới không rõ ràng
trang-1-400.jpg
Văn bản thông tin về nội dung cuộc họp bằng tiếng Việt được ông Nguyễn Anh Dũng ký với nhiều chi tiết về tiến trình phân giới cắm mốc biên giới, các văn bản pháp lý liên quan đến việc phân chia biên giới cũng như những vấn đề còn tồn tại. RFA PHOTO.
Theo thông tin tuyên truyền của Ủy ban Biên giới Quốc gia thuộc Bộ ngoại giao Việt Nam thì toàn bộ văn kiện pháp lý liên quan đến biên giới đất liền Việt Nam và Campuchia đang được sử dụng được ký trong năm 1979, 1982, 1983 và 1985. Cũng theo văn bản thông tin mà phía Việt Nam đưa ra thì các văn kiện pháp lý này một lần nữa được đề cập đến trong cuộc họp giữa hai lãnh đạo Ủy ban Biên giới này. Tuy nhiên, giới chức phụ trách phân giới cắm mốc Campuchia ít đề cập đến các văn bản này.
Trong buổi đối thoại được giới truyền thông nhà nước Campuchia loan tin hồi ngày 21 tháng 5 vừa qua, ông Var Kimhong, Chủ tịch Ủy ban liên hợp Phân giới Cắm mốc biên giới trên đất liền của Campuchia từng tuyên bố tài liệu cơ bản để phân giới cắm mốc biên giới Campuchia và Việt Nam là bản đồ tỷ lệ 1/100,000 của Sở Địa chính Đông Dương, được Pháp vẽ khoảng năm 1954.
Riêng các nhà nghiên cứu chính trị lịch sử thì cho rằng, các văn kiện pháp lý mà Việt Nam viện dẫn không có cơ sở pháp lý vững chắc. Tiến sĩ Khoa học chính trị Rous Ravuth khẳng định rằng các Hiệp ước, Hiệp định liên quan đến vấn đề biên giới được ký giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Nhân dân Campuchia không có giá trị pháp lý vì Chính quyền này do Việt Nam dựng lên và không được Liên Hiệp Quốc công nhận.
Tiến sĩ Rous Ravuth cho biết thêm rằng theo Hiệp định Hòa bình Paris năm 1991 yêu cầu các bên liên quan xóa bỏ các văn bản pháp lý ký kết với chính quyền Cộng hòa Nhân dân Campuchia. “Chính phủ này (1979 – 1991) không độc lập tự chủ. Họ không được thừa nhận. Hiệp định Paris đã xóa tất cả các hiệp ước, hiệp định mà chính quyền này ký.”
Đảng Cứu Quốc, đảng đối lập lớn nhất tại Campuchia cũng nhiều lần khẳng định rằng, trong tương lai nếu đảng này thắng cữ, họ sẽ xem xét lại vấn đề biên giới và sẽ yêu cầu Quốc hội xóa bỏ các điều khoản ảnh hưởng đến toàn vẹn lãnh thổ của Campuchia.
Việt Nam không tôn trọng các thỏa thuận biên giới
Việt Nam họ kêu gọi Campuchia tôn trong Thông cáo năm 1995 nhưng Việt Nam họ có tôn trọng hay không? Họ tự ý xây cơ sở quân sự ở huyện Koh Thum tỉnh Kandal, bên Campuchia gửi hai công hàm nhưng phía Việt Nam vẫn tiếp tục xây dựng.
-Ông Um Sam An
Theo thông cáo báo chí của bên Campuchia và văn bản gửi báo chí nhà nước của phía Việt Nam thì vấn đề giữ nguyên hiện trạng đường biên giới trong khi chờ đợi giải quyết những vấn đề còn tồn tại trong Thông cáo Báo chí chung ngày 17 tháng 01 năm 1995 được hai bên nhắc lại và thống nhất tôn trong.
Liên quan đến vấn đề này ông Um Sam An, Nghị sĩ đảng Cứu Quốc cho rằng phía Việt Nam chỉ thống nhất trên văn bản, trên thực tế Việt Nam hoàn toàn không có thiện chí hợp tác. Ông Um Sam An: “Việt Nam họ kêu gọi Campuchia tôn trong Thông cáo năm 1995 nhưng Việt Nam họ có tôn trọng hay không? Họ tự ý xây cơ sở quân sự ở huyện Koh Thum tỉnh Kandal, bên Campuchia gửi hai công hàm nhưng phía Việt Nam vẫn tiếp tục xây dựng. Họ đào 8 ao mương nước ở huyện Oyadav tỉnh Ratanakiri, như vậy đủ thấy họ không tôn trọng tinh thần Thông cáo Báo chí năm 1995 rồi.”
Cuộc họp giữa hai lãnh đạo cơ quan phụ trách biên giới Việt Nam – Campuchia được diễn ra sau 5 bản công hàm được phía Campuchia gửi cho Việt Nam để phản đối hành vi xâm phạm biên giới và cuộc xô xát ở biên giới Long An – Svay Rieng. Theo thông tin từ phía Việt Nam, cuộc họp tương tự sẽ diễn ra tại Việt Nam trong tháng 8 tới đây.
Sơn Trung tường trình từ Campuchia.
(RFA)
0 comments:
Post a Comment