Trang điện tử của báo Đời Sống và Pháp Luật
Trang doisongphapluat.com của báo Đời sống và Pháp luật vừa bị phạt 30 triệu đồng do đăng bài viết tự sản xuất.
Theo quy định, chỉ có báo điện tử* mới có chức năng sản xuất và xuất bản tin bài. Trang thông tin điện tử tổng hợp (có loại giấy phép riêng, khác với báo điện tử) không được phép tự sản xuất nội dung mà chỉ tổng hợp từ các báo khác. Quy định vậy là để nhà nước dễ quản lý mấy tờ báo điện tử vốn thuộc nhà nước (nắm thằng có tóc). Tuy nhiên, quy định ấy vô hình trung lại kích thích các "trang thông tin điện tử tổng hợp", do không thể tự mình sản xuất tin bài, đua nhau đi copy bài của các tờ báo điện tử (vốn phải chi rất lớn để sản xuất nội dung). Các tờ báo đầu tư sản xuất nội hiện nay đang điêu đứng vì tình trạng chôm chỉa bài vô tội vạ kiểu ấy, trong hoàn cảnh kiện tụng bản quyền đang là một chuyện khá xa lạ trong làng báo Việt Nam (ngoài vài lời phàn nàn trên mạng, viết thư cảnh báo...).
Quy định phân biệt trang thông tin điện tử tổng hợp và báo điện tử cũng làm nảy sinh tình trạng "lách luật" từ khoảng vài năm trở lại đây: Một công ty tư nhân không có giấy phép thành lập báo nhưng lại có trang mạng nổi tiếng núp dưới bóng một tờ báo không mấy tên tuổi để sản xuất nội dung rồi trên mỗi bài viết online cứ kèm dòng "theo báo ABC" là ổn. Nó cũng tương tự như bên ngành báo in nở rộ kiểu "sách chuyên đề" của các công ty tư nhân, là một dạng báo ra định kì nhưng theo giấy phép xuất bản sách do các nhà xuất bản cấp và chịu trách nhiệm, chứ không phải giấy phép xuất bản báo chí do bộ 4T cấp.
Nhắc lại vụ phạt báo Đời sống và Pháp luật nói trên, bản tin không cho biết cụ thể phạt tờ báo kia về các nội dung nào. Tuy nhiên, mới đây trang điện tử này đã gây chấn động thế giới khi đăng trọn vẹn tiểu sử Đại tướng Phùng Quang Thanh giữa lúc có những đồn đoán về tình trạng sức khỏe của vị tư lệnh ngành súng ống Việt Nam. Theo truyền thống của Việt Nam, chỉ đăng tiểu sử một người trong vài trường hợp đặc biệt, chẳng hạn mới lên chức lớn hoặc vừa đi gặp Các Mác, Lê Nin... Ông Thanh, theo thông tin được công khai cho tới thời điểm ấy (thời điểm phapluatdoisong.com đăng tiểu sử), không thuộc các trường hợp trên.
Việc đăng tiểu sử ông Thanh không có gì sai (xét theo quy định pháp luật), do nội dung này doisongphapluat.com dẫn lại từ một nội dung của website chính phủ, trong danh sách tiểu sử các thành viên chính phủ đương nhiệm (doisongphapluat.com có nêu rõ nguồn). Thông tin công khai trên website của chính quyền được mặc định là thông tin chính thống và công cộng nên báo chí lẫn các trang thông tin điện tử tổng hợp có thể dẫn lại thoải mái. Tuy nhiên, việc đăng thông tin ấy (tiểu sử ông Thanh) trong một thời điểm như thế bị coi là nhạy cảm. Có lẽ cơ quan quản lý nhân vụ này mới soi lại trang web kia và phạt lỗi nọ (phạt "trang thông tin điện tử tổng hợp" lại đi sản xuất nội dung như báo điện tử, bởi vì chắc chắn Doisongphapluat.com trong quá khứ đã từng đăng nhiều nội dung tự sản xuất, tức là vi phạm quy định về trang thông tin điện tử tổng hợp), chứ nói thẳng ra là phạt vụ đăng tiểu sử chắc cũng kì và cũng khó thuyết phục nếu dẫn quy định ra mà soi chiếu.
Thế mới thánh!
(FB Đỗ Hùng)
0 comments:
Post a Comment