Trước những động thái mới của quan hệ Việt - Mỹ đúng dịp tròn 20 năm bình thường hoá quan hệ, đã có rất nhiều ý kiến khác nhau trên các diễn đàn, xuất phát từ tư tưởng, nhận thức của mỗi người.
Dưới đây là một số phân tích, quan điểm và phương châm nhất quán của Đảng, Nhà nước và Quân đội ta về hợp tác Việt - Mỹ, qua những ý kiến cô đọng của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh:
- "Càng căng thẳng thì càng phải độc lập tự chủ. Càng căng thẳng thì càng không bao giờ để kéo vào những liên minh với nước này để chống nước khác.
Đó là nguyên tắc không chỉ bây giờ mà còn từ xưa trong việc bảo vệ Tổ quốc. Việt Nam là bạn, là đối tác nhưng không tham gia liên minh quân sự"
- "Nguyên tắc trong quan hệ Việt – Mỹ, cũng như đối với tất cả các nước khác, là tôn trọng độc lập, tự chủ, chủ quyền lãnh thổ, tôn trọng chế độ chính trị, lợi ích của nhau, bình đẳng cùng có lợi, và mối quan hệ ấy không gây phương hại, không gây quan ngại cho bất kỳ một quốc gia nào. Hơn thế mối quan hệ đó sẽ đóng góp cho hòa bình, ổn định của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Nguyên tắc này đã được nhấn mạnh trong bản ghi nhớ 2011. Bộ trưởng Phùng Quang Thanh và người đồng cấp Mỹ Ashton Carter cũng đã mạnh mẽ khẳng định lại nguyên tắc này khi ký tuyên bố về tầm nhìn quốc phòng Việt - Mỹ vừa qua.
- "Tôi cho rằng, mọi sự hợp tác đều cần đến lòng tin. Không có lòng tin thì không có hợp tác thực chất, kể cả về chính trị, kinh tế, khoa học công nghệ... Quan hệ quốc phòng càng cần đến lòng tin. Việt Nam và Mỹ cũng vậy, chúng ta bắt đầu bình thường hóa quan hệ từ năm 1995, nhưng hợp tác quốc phòng đi sau, chậm hơn, thận trọng nhưng vững chắc. Có thể nói, hai bên đã đạt được sự thống nhất không còn muốn là kẻ thù của nhau, không xâm phạm, xâm hại những lợi ích chiến lược của nhau và đặc biệt là cam kết không bao giờ đem chiến tranh đến cho nhau".
2. Về đánh giá hành động của Mỹ sẽ không xâm hại Việt Nam:
- "Tại Đối thoại Shangri-la năm 2010 ở Singapore, ông Sergei Ivanov, Phó Thủ tướng Nga, đã bày tỏ quan ngại và cho rằng Nga có trách nhiệm với hòa bình, ổn định ở Afghanistan. Các học giả đã đặt câu hỏi: "Nga có định đưa quân trở lại Afganishtan một lần nữa không?" Ông Ivanov trả lời: "Muốn biết điều này hãy hỏi ông Robert Gates, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đang ngồi phía dưới, liệu Mỹ có định bao giờ gửi quân sang Việt Nam nữa không?". Ông Gates lúc ấy chỉ đứng lên và nói đúng một câu: "Never" (không bao giờ). Với những gì đã trải qua trong quá khứ và những gì 2 bên đã nỗ lực đạt được hôm nay, tôi tin Mỹ đã hiểu hậu quả và cái giá phải trả khi đem chiến tranh đến một đất nước yêu chuộng hòa bình và có lòng yêu nước cao độ như Việt Nam".
3. Về thực chất hợp tác quốc phòng Việt - Mỹ:
- "Hợp tác quốc phòng nói chung, đặc biệt là giữa Việt Nam và Mỹ có tính chất tiệm tiến, nó không có bước ngoặt. Đừng nghĩ hợp tác thực chất là hợp tác quân sự hay là về cái gì to tát mà là những nội dung hai bên tìm được cái chung để cùng thực chất thực hiện".
- "Mỹ còn chưa dỡ bỏ toàn bộ lệnh cấm thì đó một điều bất hợp lý trong mối quan hệ giữa hai nước. Việc Mỹ duy trì một phần còn lại lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam chính là nhân tố "chưa thực chất".
4. Về đánh giá việc Mỹ dỡ bỏ cấm vận vũ khí:
- "Nếu nói Việt Nam tăng sức mạnh vì có thể mua vũ khí của Mỹ là không chính xác. Chúng ta có sức mạnh nếu chúng ta giữ được độc lập, tự chủ, đồng thời chúng ta có mối hợp tác đa phương, trong đó có cả đa phương về quốc phòng. Về trang bị vũ khí, chúng ta sẽ tự do chọn lựa những gì chúng ta muốn, chúng ta cần. Vấn đề là chúng ta cần có một môi trường rộng lớn hơn để lựa chọn cái chúng ta cần khi cần thiết, nhưng quan trọng hơn, chúng ta có lòng tin rộng lớn hơn của tất cả các quốc gia, theo như chúng ta từng tuyên bố rất nhất quán Việt Nam là bạn của tất cả các nước. Cái đó mới là nhân tố cực kỳ quan trọng để bảo vệ đất nước, chứ không phải là chuyện mua vũ khí".
5. Về một phần nguyên nhân gây căng thẳng trên Biển Đông:
- "Thật ra mối quan hệ không tốt giữa Mỹ và Trung quốc đã gây phương hại đến tình hình chung của khu vực.
Cho nên chúng tôi rất mong hai nước Mỹ và Trung Quốc có những quan hệ tốt với nhau và tôn trọng các nước nhỏ như Việt Nam",
6. Về hợp tác Việt - Mỹ thực thi pháp luật trên biển:
- "Chúng ta hợp tác với Mỹ về thực thi pháp luật trên biển trên cơ sở chính sách nhất quán của chúng ta, là đảm bảo rằng lãnh hải cũng như thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam là vùng an toàn cho các hoạt động tự do hàng hải và luôn được kiểm soát theo đúng pháp luật của Việt Nam, luật pháp quốc tế
Vùng biển Việt Nam không có cướp biển, có chăng là cướp biển ở vùng khác chạy vào chúng ta bắt được và giao trả lại. Cái đó không phải tự nhiên mà có, mà phải là do sức mạnh của chính chúng ta, chúng ta quan tâm đến bảo vệ an toàn không chỉ cho tàu bè của mình, ngư dân mình, mà còn đảm bảo an toàn cho đường vận tải hàng hải quốc tế".
- "Việc bảo đảm an toàn trên vùng biển của chúng ta vừa thể hiện trách nhiệm quốc tế của ta và đồng thời cũng khẳng định đây là vùng biển của Việt Nam. Quốc tế tôn trọng sự quản lý, quyền tài phán của chúng ta, trên các vùng biển của Việt Nam. Việc bảo vệ an toàn, an ninh hàng hải, tự do thương mại, tự do đi lại trên các vùng biển của các quốc gia, vừa là quyền lợi vừa là trách nhiệm của mọi quốc gia".
- "Nếu nói Việt Nam tăng cường quan hệ với Mỹ vì tình hình căng thẳng ở Biển Đông thì không đúng. Diễn biến trên Biển Đông không phức tạp thì chúng ta vẫn sẽ hợp tác như thế. Nhưng điều kiện khách quan đẩy mối quan hệ đến mức nào thì không tùy thuộc vào ý chí của chúng ta. Có những cái không có quan hệ mà lại là đồng quan điểm, không bàn bạc gì với nhau nhưng lại cùng lợi ích, thì những cái "đồng" đó tạo ra một mối quan hệ có tính chất tự nhiên hơn.
Vì sao Mỹ lại can dự vào tình hình Biển Đông như thế? Trước hết là vì chính lợi ích chiến lược của Mỹ. Mỹ đã tốn rất nhiều công sức để bảo vệ tự do thương mại trên các vùng biển quốc tế, trên cơ sở luật pháp quốc tế vì nền kinh tế của họ phụ thuộc vào điều đó, đó là chưa kể các hoạt động của lực lượng quân sự Mỹ trên toàn cầu, trên không, trên biển... Việt Nam, cũng như Mỹ và đa số các quốc gia khác trên thế giới đều dựa vào luật pháp quốc tế để bảo vệ tự do thương mại, tự do hàng hải trên biển, trên không, đồng nghĩa với việc bảo vệ thềm lục địa 200 hải lý của các nước. Cái đó là cái đồng tự nhiên, chứ Mỹ, Việt Nam hay rất nhiều nước khác không bàn để cùng lên tiếng về việc đó. Chúng ta đã nói nhiều lần, Việt Nam ủng hộ Mỹ và các quốc gia khác tăng cường can dự ở khu vực nếu điều đó phù hợp với mục tiêu bảo đảm hòa bình, ổn định của khu vực, trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Chúng ta cần làm cho thế giới hiểu rằng Việt Nam minh bạch trong quan hệ quốc phòng với các nước, trong đó có Mỹ. Chúng ta đã nói là làm, không chỉ riêng với Mỹ, mà với tất cả các nước. Nếu hợp tác mà không bình đẳng, không có lợi và không tôn trọng nhau thì không hợp tác. Hợp tác mà phương hại đến một quốc gia nào thì chúng ta cũng sẽ không làm. Đây là lập trường của chúng ta. Minh bạch, không mập mờ".
Và quan trọng nhất là đây:
- "Chúng ta tuyệt đối không được khiêu khích và không để bị khiêu khích. Mặt khác, cần chứng minh cho bằng được với nhân dân mình, cho cộng đồng quốc tế và với nước tranh chấp rằng mình có chính nghĩa, có lẽ phải.
Nhưng quan trọng nhất là phải dựa vào nội lực của mình, gồm chính trị, ngoại giao, kinh tế, quốc phòng, để bảo vệ độc lập chủ quyền, không dựa dẫm vào bất kỳ nước nào khác. Sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc cộng với sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế là “lợi thế chính trị”, là tiền đề tất yếu của thắng lợi.
Cần phân biệt sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với lẽ phải với việc dựa vào nước khác để giải quyết tranh chấp. Nếu dựa vào hoặc để bị hiểu lầm rằng anh đang dựa vào sức mạnh của nước khác để giải quyết vấn đề thì rất nguy hiểm. Chỉ cần “chỗ dựa” rút lui hay thỏa hiệp thì anh sẽ là nạn nhân đầu tiên của sự lựa chọn sai lầm đó".
(FB Ngô Mạnh Hùng)
0 comments:
Post a Comment